Mỗi khi gặp sự cố, điều đầu tiên chúng ta nghĩ đến là gọi cứu hộ. Tuy nhiên có rất nhiều thứ rất cần chúng ta thực hiện trước để tạo sự thuận lợi cho công tác cứu hộ.
1. Nắm các thông tin cơ bản về chiếc xe mình cầm lái
Những người có kinh nghiệm sử dụng ô tô cho biết, nhân viên cứu hộ ô tô luôn muốn bạn cung cấp trước những thông tin liên quan đến chiếc xe, chẳng hạn: Chiếc xe thuộc thương hiệu nào? Tên dòng xe? Đời xe?… Nếu bạn là chính chủ thì mọi chuyện rất đơn giản. Nhưng nếu đó là xe đi mượn, đi thuê thì quả thật có chút khó khăn. Việc nắm được “lý lịch” chiếc xe sẽ giúp họ chủ động hơn khi chuẩn bị đồ cứu hộ cần thiết. Do đó, bạn nên kiểm tra lại thông tin chi tiết về chiếc xe mình sử dụng trước khi bước vào khoang lái.
2. Mô tả chi tiết sự cố
Những người không hoạt ngôn thường ngại giao tiếp và tâm lý không sẵn sàng đối diện với các câu hỏi từ người lạ. Nhưng nếu xe của bạn gặp sự cố và cần nhờ tới đội cứu hộ thì bạn hãy gạt bỏ những “áp lực” của chính mình để có thể cung cấp những thông tin cần thiết cho đội cứu hộ. Dựa vào những câu hỏi từ đơn vị cứu hộ, bạn có thể giúp họ hình dung sự cố bạn đang gặp phải, tình trạng hiện tại của chiếc xe. Việc đọc và hiểu các biểu tượng báo lỗi trên xe ô tô cũng rất hưu ích trong lúc này. Cố gắng sử dụng những từ ngữ mô tả chính xác, ngắn gọn để công tác cứu hộ diễn ra thuận lợi.
3. Tự trang vài ngón nghề sửa chữa cơ bản, đặc biệt là thay lốp dự phòng
Không ít người mất tiền triệu gọi cứu hộ khi chiếc xe chỉ bị cần vài thao tác đơn giản có thế khắc phục được. Ví dụ như xịt lốp giữa đường. Đó là lý do bạn cần trang bị cho mình những kỹ năng sửa chữa, khắc phục những lỗi thường gặp, trong đó có cả kỹ năng thay lốp dự phòng. Việc này sẽ giúp bạn tiết kiệm khá nhiều chi phí, quan trọng hơn là chủ động về thời gian đi đường và không quá lệ thuộc vào cứu hộ.
4. Hiểu biết về hệ truyền động của xe
Đôi khi thông cuộc điện thoại bạn gọi đến, nhân viên cứu hộ sẽ hướng dẫn bạn các thao tác khắc phục lỗi. Vì thế việc đọc hiểu các ký hiệu, biểu tượng trên ô tô rất quan trọng. Bên cạnh đó, bạn cần có kiến thức về các chi tiết bên trong khoang động cơ để tự tay kiểm tra, sửa chữa chiếc xe một cách nhanh gọn.
5. Không nên cố sửa chữa khi không hiểu gì về xe
Nếu không có kinh nghiệm sửa chữa ô tô thì đừng nên động vào nó. Những bài hướng dẫn tự sửa chữa trên mạng cũng không giúp bạn “lên tay nghề” trong trường hợp này. Ngược lại, những kiến thức đó cộng với sự bảo thủ của bạn sẽ làm chiếc xe của bạn hỏng năng hơn mà thôi.
6. Không ngại hỏi chi phí sửa chữa
Nhiều người thường không hỏi chi phí trước khi thợ bắt tay vào sửa chữa. Kết quả là khi nhận được hóa đơn thanh toán mới tá hỏa, không tin vào số tiền lớn phải thanh toán. Hiện tại, các dịch vụ bảo hiểm đều kèm theo điều khoản này do đó bạn cần phải xác nhận lại chi phí sửa chữa trước khi cho phép họ thực hiện công tác cứu hộ.
7. Lựa chọn đúng phương án kéo hay chở
Xe du lịch dưới 9 chỗ sẽ có 2 kiểu cứu hộ là kéo hoặc chở. Hai kiểu cứu hộ này sẽ được áp dụng cho từng kiểu dẫn động xe ô tô. Trên thị trường hiện nay, các dòng xe ô tô sẽ sử dụng các kiểu dẫn động sau: Dẫn động cầu trước, dẫn động cầu sau và dẫn động 2 cầu (AWD hoặc 4WD). Do đó, bạn cần cung cấp đúng kiểu dẫn động của chiếc xe để trung tâm cứu hộ điều loại xe cứu hộ phù hợp.
Xe sử dụng hệ dẫn động cầu trước: Xe sử dụng hệ dẫn động cầu trước có thể dùng cả hai hình thức là kéo hoặc chở nhưng trung tâm cứu hộ thường dùng biện pháp kéo.
Xe sử dụng hệ dẫn động cầu sau: Loại xe này thường được các trung tâm cứu hộ sử dụng hình thức kéo và đẩy.
Xe sử dụng hệ thống dẫn động bốn bánh: Nếu áp dụng biện pháp kéo đối với xe sử dụng hệ dẫn động 4 bánh thì bánh xe sẽ quay trong khi động cơ không nổ, dầu bôi trơn không đủ cung cấp dẫn đến việc làm tăng ma sát gây hư hại các chi tiết máy. Đó chính là nguyên nhân trung tâm cứu hộ lựa chọn hình thức chở. Còn nếu phải dùng biện pháp kéo, nhân viên cứu hộ sẽ phải có dụng cụ chuyên dụng (con lăn) để hỗ trợ 2 bánh còn lại.
8. Đặt cảnh báo hoặc có các tín hiệu cảnh báo
Xe gặp sự cố trên đường, dù có tấp được vào lề đường hay không thì bạn cũng không nên quên việc “phát tín hiệu” cảnh báo đối với những phương tiện đi đường. Việc này giúp các phương tiện giao thông sớm nhận biết chướng ngại vật và làm chủ tốc độ khi tới gần xe của bạn, tránh những va chạm đáng tiếc do họ bị bất ngờ, không kịp xử lý tình huống. Nếu có thể, bạn hãy đặt cảnh báo phía trước và phía sau cách chiếc xe khoảng 100 m để đảm bảo an toàn giao thông cho chính bạn và những người đang tham gia giao thông trên đoạn đường đó. Tuyệt đối không được dùng xe ở làn trái ngoài cùng nếu xe gặp sự cố trên đường cao tốc.